Với nhiều bà mẹ, ăn dặm là một quá trình chuyển giao khó khăn và vô cùng hoang mang bởi quá nhiều thông tin. Hiểu được điều đó, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy hàng đầu nước Anh (Cẩm nang dinh dưỡng cho bé) Annabel Karmel đã chia sẻ những điều cần chú ý giúp các bà mẹ tập cho con ăn dặm dễ dàng.
Tác giả cuốn sách nổi tiếng về dinh dưỡng cho bé - bà Annabel Karmel.
1. Thời điểm phù hợp
Sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong sáu tháng đầu. Bộ Y tế Anh khuyến cáo các bà mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm khoảng từ 6 tháng tuổi.
2. Mỗi trẻ sẽ khác nhau
Tuy tốc độ phát triển của mỗi trẻ là khác nhau, Bộ Y tế Anh khuyến cáo nếu trẻ cho thấy dấu hiệu đã sẵn sàng ăn dặm, các bà mẹ cũng có thể cho trẻ thử một số thức ăn đơn giản.
Tuy nhiên, không cho trẻ ăn dặm trước 17 tuần tuổi bởi trong vài tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển toàn diện.
3. Nhận biết các dấu hiệu
Nếu nhận thấy trẻ đói hơn bình thường ngay cả khi vừa bú sữa, tỉnh dậy lức nửa đêm hoặc có thể giữ tốt đầu và cổ khi đang ngồi, các mẹ có thể hiểu đó là các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm.
Trẻ có thể ngồi vững là một trong các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng làm quen với đồ ăn rắn (Ảnh minh họa).
4. Nếu trẻ chưa thích nghi
Bản năng của người mẹ rất nhạy cảm, bởi vậy nếu thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm, mẹ nên tiến hành ngay. Nếu trẻ không hứng thú lắm với thức ăn, mẹ có thể dời việc cho trẻ tập ăn lại vài ngày và thử lại lần nữa, chỉ cần đảm bảo trẻ không bị đói.
Mẹ cũng có thể cho trẻ uống sữa để trẻ bớt đói. Quan trọng là mẹ không được vội vàng và tùy thuộc vào ý muốn của trẻ.
5. Giai đoạn đầu, có thể bé sẽ ăn rất ít
Ban đầu, mẹ không nên quá hy vọng trẻ ăn được nhiều cháo, bột, hoa quả hoặc rau nghiền nhuyễn. Khi trẻ đã quen ăn thức ăn rắn, mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn.
Mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm bằng thức ăn xay nhuyễn.
Tuy nhiên, quan trọng là trẻ nhỏ từ 6-12 tháng tuổi vẫn nên uống 500-600ml sữa mỗi ngày. Cho trẻ uống sữa nhiều chất béo bởi hàm lượng calo trong sữa sẽ giúp tăng cường sự phát triển của trẻ và bắt đầu cho trẻ uống sữa bằng cốc.
6. Những thực phẩm nên tránh
Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên ăn muối và đường. Các loại thức ăn khác cũng cần tránh bao gồm pa-tê, động vật giáp xác, đồ ăn hun khói, pho-mát và mật ong. Trẻ từ 6 tháng tuổi có thể ăn trứng miễn là trứng được nấu chín kỹ. Trẻ cũng không nên ăn các loại hạt quả và hạt ngũ cốc.
7. Bắt đầu bằng củ nghiền nhuyễn
Giai đoạn chuyển đổi từ sữa sang thức ăn rắn thực chất là quá trình cho trẻ tập ăn và làm quen với thức ăn rắn.
Bắt đầu quá trình bằng việc cho trẻ ăn các loại củ bởi loại thực phẩm này dễ tiêu hóa và không gây dị ứng ở trẻ. Cách chế biến tốt nhất để giữ chất dinh dưỡng trong thực phẩm là hấp chín sau đó tán nhuyễn. Khoai tây ngọt, bí đỏ và cà-rốt trắng là lựa chọn phù hợp bởi chúng có vị ngọt tự nhiên tương tự như vị ngọt của sữa mẹ.
Thức ăn phù hợp nhất cho giai đoạn này là củ quả hấp, tán nhuyễn.
Hoa quả phù hợp nhất trong giai đoạn này là táo và lê bởi hai loại quả này có thể chế biến theo cách hấp hoặc nấu. Một vài loại quả như chuối, bơ, đào và đu đủ không cần chế biến mà chỉ cần tán nhuyễn bằng dĩa.
Bơ và chuối tán nhuyễn.
Trộn trái cây với rau là phương pháp khá hiệu quả khi cho trẻ làm quen với các loại thức ăn mới. Công thức yêu thích của Karmel là hỗn hợp đu đủ, táo, lê và quế nhuyễn, cà-rốt nhuyễn, chuối và bơ nhuyễn.
8. Tăng dần lượng và độ thô của thức ăn
Khi trẻ đã quen với các thức ăn đơn giản, người mẹ nên bổ sung thức ăn có nhiều loại mùi vị và dạng rắn lỏng khác nhau vào thực đơn của trẻ.
Khi trẻ được 6-9 tháng tuổi (đây là lúc hệ tiêu hóa của trẻ phát triển toàn diện), mẹ có thể bắt đầu tăng dần lượng và độ đa dạng của thức ăn cho trẻ. Trẻ phát triển khá nhanh vào thời gian này, vì vậy đây là thời điểm thích hợp giúp trẻ học nhai và làm quen với các loại thức ăn chứa nhiều protein như thịt và cá. Bắt đầu giai đoạn bằng cách chế biến thức ăn đặc hơn và băm nhỏ rau mà trẻ có thể khó nuốt. Tránh cho trẻ ăn muối, đường và mật ong nhưng có thể thêm gia vị cho món ăn bằng hành hoặc rau thơm.
Thức ăn của trẻ không nên có muối, đường và mật ong mà chỉ thêm các loại rau thơm để tăng hương vị.
Thịt gà là loại thịt đầu tiên nên cho trẻ tập ăn bởi loại thịt này phù hợp với một số loại củ và trái cây. Thịt gà cũng chứa protein và vitamin B12 giúp trẻ phát triển. Các loại cá như cá hồi cũng là nguyên liệu quan trọng cho bữa ăn của trẻ bởi chúng cung cấp các axit béo cần thiết.
Nguồn: mirror