Cha mẹ cho rằng mút tay chỉ là thói quen nhất thời và sẽ tự hết khi con lớn lên. Nhưng không phải mọi trường hợp bé mút tay đều vô hại.
Với nhiều bậc phụ huynh, đây chắc hẳn là hình ảnh vô cùng quen thuộc: các cô cậu bé tự xoa dịu bản thân bằng cách mút ngón tay. Mặc dù phần lớn cha mẹ cho rằng đây chỉ là một thói quen nhất thời và sẽ tự hết khi con lớn lên. Nhưng không phải mọi trường hợp bé mút tay đều vô hại.
Một số phụ huynh cố gắng loại bỏ thói quen này của con nếu không tự hết trước thời điểm bé vào lớp 1. Cách họ áp dụng là sơn móng tay trẻ bằng một loại sơn có mùi khó chịu hoặc những phương pháp kỷ luật khác. Tuy nhiên, để trẻ chấm dứt hoàn toàn thói quen mút tay có thể là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Helen Nightingale cho biết, ngậm mút ngón tay kéo dài có thể tự động diễn ra do một số nguyên nhân quen thuộc. "Thói quen này thường được di truyền qua các thế hệ trong nhà. Đây cũng là cách tự xoa dịu bản thân ở cấp độ cao nên để thay đổi, không phải việc dễ dàng", cô nhấn mạnh.
Đối với một số bé, thói quen "thâm căn cố đế" này là phản xạ đầu tiên trẻ học được, tương tự như phản xạ bú mẹ. Sandra Trebinski, chuyên gia về liệu pháp chữa bệnh bằng thôi miên, tin rằng, hành vi mút tay được duy trì dù đã trẻ đã qua tuổi ấu thơ bởi sự xoa dịu về mặt cảm xúc mà nó mang lại trong những giai đoạn căng thẳng, đầy áp lực cũng như tác dụng giúp tập trung của nó.
Qua công việc tại Trung tâm Trị liệu bằng thôi miên ở Anh, Trebinski nhận thấy, khoảng 200-300 trường hợp người lớn mút ngón tay cái mỗi tháng, mặc dù họ thực sự muốn dừng thói quen này. Theo một nghiên cứu mới đây do trang Babychild.org.uk tiến hành, 12% người trưởng thành vẫn mút ngón tay cái!
Chuyên gia Trebinski lý giải: "Trong khi phần lớn trẻ em bỏ thói quen mút tay một cách tự nhiên, những bé tiếp tục làm thế thường bị cha mẹ trách mắng, mặc dù mang tính tiêu cực, nhưng điều đó vẫn thể hiện sự quan tâm của cha mẹ và nó khiến trẻ phải chú ý. Thói quen mút tay càng duy trì lâu, nó càng bám rễ sâu vào tiềm thức và trở thành một hoạt động ‘thả neo’ giúp kích hoạt trạng thái tinh thần thư giãn, sảng khoái".
Ngoài những tác động tiêu cực liên quan tới cảm xúc mà việc mút ngón tay gây ra cho trẻ vị thành niên cũng như người trưởng thành, như cảm giác xấu hổ, luôn phải tìm cách che giấu, nó còn có thể tạo ra những thương tổn về mặt thể chất.
Bác sĩ Neil Counihan, chuyên gia chỉnh răng, người thành lập phòng khám về thói quen mút tay đầu tiên ở Vương quốc Anh, nhấn mạnh: "Mút tay dai dẳng có thể định hình lại khuôn miệng. Trước khi lên 6, việc mút tay không có vấn đề gì bởi lúc đó, răng vĩnh viễn chưa mọc. Nhưng một khi chúng xuất hiện, rắc rối có thể bắt đầu. Bạn có thể sử dụng phương tiện ngăn chặn như thiết bị bọc ngón tay. Nhưng rốt cuộc, điều cần làm vẫn là chấm dứt hoàn toàn thói quen này".
Nguồn: webgiadinh.org