Con đau răng quá mẹ ơi
Sâu răng là một trong những vấn đề răng miệng thường gặp nhất ở trẻ em. Ở Mỹ có trên 20 triệu trẻ em mắc bệnh răng miệng mỗi năm tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 11 tuổi. Theo thống kê của viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, ở nước ta gần hết mọi người đều mắc bệnh răng miệng và 85% học sinh tiểu học có biểu hiện răng sâu.
ThS- BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1
Tại sao trẻ bị sâu răng
Do không được vệ sinh răng miệng thích hợp, những mảnh thức ăn thừa dính trên răng của trẻ sẽ bị các vi khuẩn lên men làm thay đổi nồng độ acid gây mất khoáng ở răng đồng thời tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh như Lactobacillus acidophilus, Streptoccus, Odontomyces viscoses phát triển.
Khởi đầu từ các đốm trắng đục rất nhỏ mà mắt thường khó có thể nhìn thấy được trên răng của trẻ, sau một thời gian bị ăn sẽ tạo thành những lỗ thủng thường ở mặt nhai hay mặt bên của răng.
Bất cứ trẻ nào cũng có thể bị sâu răng và nguy cơ sẽ cao hơn nếu bé sinh non, nhẹ cân, thường xuyên bú bình, chế độ ăn nhiều đường, có thói quen ăn quà vặt,phải dùng thuốc hen suyễn dạng xịt và một số loại thuốc để điều trị những bệnh lý khác.
Những dấu hiệu thường gặp
Tùy theo lứa tuổi và giai đoạn sâu răng mà biểu hiện sẽ khác nhau. Nếu bé còn quá nhỏ thì chán ăn, thường hay quấy khóc khi ăn là những dấu hiệu thường gặp bởi lẽ sâu răng làm cho bé bị đau hay tê buốt khi ăn uống. Ở lứa tuổi lớn hơn, đôi khi trẻ có thể mô tả chính xác những triệu chứng của sâu răng như đau răng đặc biệt khi nhai và ăn uống uống những đồ ăn, thức uống chua và lạnh.
Nếu quan sát kỹ có thể thấy những đốm đục hay nâu trên răng; nứơu răng đỏ, sưng nề và dễ chảy máu. Hơi thở hôi thường làm cho trẻ ngại nói chuyện hay tiếp xúc với bạn bè do sợ bị trêu chọc.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Chúng ta thường có khuynh hướng xem nhẹ những vấn đề răng miệng vì nghĩ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trong khi đó nhiều nghiên cứu cho thấy răng đóng vai trỏ rất quan trọng đối tình trạng sức khỏe và phát triển của trẻ. Khi bị sâu răng hay mắc các bệnh lý răng miệng khác nếu không được điều trị thích hợp sẽ làm hưởng đến sự phát triển của hàm mặt, khuyết răng, răng mọc lệch hay gây ra những biến chứng nguy hiểm như abscess quanh ổ răng, viêm mủ xoang hàm do răng, viêm mô tế bào vùng đầu mặt, viêm nội tâm mạc,nhiễm trùng huyết…
Điều trị sâu răng thích hợp
Hãy đưa trẻ đến nha sĩ khi nghi ngờ bé bị sâu răng hay có vấn đề răng miệng. Tùy theo lứa tuổi và mức độ bệnh, nha sĩ sẽ lựa chọn cho bé phương pháp điều trị trám răng hay nhổ răng với mục đích duy trì chức năng và sự phát triển của răng, bảo vệ những răng kế cận, giúp răng mọc đúng vị trí và bảo đảm tính thẩm mỹ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh Việc chăm sóc răng miệng nên được bắt đầu sớm ngay khi bé còn nhỏ. Dùng gạc thấm nước nhẹ nhàng rơ nướu mỗi ngày và dùng bàn chải nhỏ, mềm đánh răng khi bé đã mọc răng để giúp bé làm quen với việc vệ sinh răng miệng. Khi bé từ 2 tuổi trở lên có thể hướng dẫn cho bé tập đánh răng, theo dõi và khuyến khích việc bé tự vệ sinh răng miệng của mình. Cần lưu ý lựa chọn kem và bàn chải đánh răng phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Việc chải răng cần được thực hiện đều đặn ngày hai lần buổi sáng khi trẻ thức dậy và trước khi đi ngủ.
Ăn uống đóng một vai trỏ quan trọng việc bảo vệ răng miệng. Không nên cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ bởi lẽ chất ngọt có trong sữa sẽ bám lại trên răng quá lâu làm tăng nguy cơ sâu răng. Nếu bé đã có thói quen ngậm bình khi đi ngủ hãy cho một ít nước lọc vào bình thay cho sữa. Hạn chế cho bé ăn quá nhiều đồ ngọt hay uống nhiều nước có ga. Tránh cho bé dùng thức ăn khi còn quá nóng hoặc quá lạnh.
Tất nhiên bé cần phải được chữa trị ngay nếu có vấn đề về răng miệng và ngay cả khi bạn nghĩ rằng bé hoàn toàn bình thường cũng nên đưa cháu đến nha sĩ kiểm tra răng định kỳ mỗi sáu tháng một lần để được phát hiện và điều chỉnh sớm những bất thường về răng miệng như sâu răng, răng mọc lệch, răng ngầm…