Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Hãy là bóng râm cho trẻ

Đối với trẻ thơ, mùa hè luôn là khoảng thời gian thú vị nhất với những buổi cắm trại hay chuyến du lịch đầy hấp dẫn. Tuy nhiên do khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường chưa tốt, sức khỏe của trẻ rất dễ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ xung quanh tăng cao. Để cuộc vui của những thiên thần nhỏ và gia đình không bị gián đoạn, chúng ta cần chủ động tạo cho cho các bé “những bóng râm”.

ThS.BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

“Máy điều hòa nhiệt độ”

Được xem là máy điều hòa nhiệt độ của cơ thể, vùng hạ đồi ở não giúp thân nhiệt luôn ổn định với những thay đổi của môi trường bằng hoạt động co- giãn mạch máu, tăng hay giảm tiết mồ hôi. Khi ở trong môi trường có nhiệt độ quá thấp hay quá cao trong một thời gian đủ dài, cơ chế cân bằng này sẽ bị phá vỡ dẫn đến sự giảm hay tăng thân nhiệt quá mức. Thân nhiệt của trẻ có thể gia tăng nhanh chóng khi bé ở trong môi trường có nhiệt độ cao nhất là những căn phòng có kích thước nhỏ không được thông khí tốt hay trong xe hơi đóng kín cửa nhưng không có điều hòa nhiệt độ vào ngày hè.

Nếu như sốt được xem là phản ứng có lợi của cơ thể trước vi khuẩn hay những tác nhân gây bệnh khác thì tình trạng tăng thân nhiệt do nóng lại tác động xấu lên cơ thể như mất nước, say nóng, sốc nhiệt, đột quỵ…

Biểu hiện ngoài da

Vào mùa nóng trẻ thường nổi rôm sẩy, khó chịu, ngứa ngáy do sự phù nề hay tắc nghẽn các tuyến mồ hôi trên da. Để hạn chế tình này cần cho bé mặc áo quần thông thoáng bảo đảm cho việc thoát mồ hôi tốt. Cần lưu ý dủng khăn mềm lau mồ hôi và thay áo khác nếu trẻ đổ mồ hôi qua nhiều làm ướt áo. Cắt móng tay và giữ bàn tay trẻ luôn sạch để khi bé gãi làm trầy xướt và nhiễm trùng da.

Da rát, đỏ và nóng, xuất hiện những vết phòng rộp có thể xuất hiện khi trẻ ngồi hay đứng ở nơi có nhiệt độ cao quá lâu. Trong tình huống này cần đưa trẻ vào nơi mát mẻ và dùng khăn lạnh đặt lên những cho phòng rộp để làm mát và giảm đau, tránh làm vỡ các vết phỏng rộp.

Cơ thể bị mất nước

Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, não sẽ điều khiển hoạt động tăng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Nếu tiết mồ hơi qua nhiều cơ thể sẽ dễ bị mất nước. Thông thường khi bị mất nước trẻ sẽ có những dấu hiệu như quấy, lừ đừ, khóc không có nước mắt, mắt trũng sâu, môi và da khô, tiểu ít. Nguy cơ mất nước sẽ cao hơn trong trường hợp trẻ có nôn ói hay tiêu chảy nhiều, không chịu ăn uống. Nếu không được cung cấp nước kịp thời trẻ có thể tử vong do giảm thể tích tuần hoàn.

Để hạn chế tình trạng mất nước, cần khuyến khích trẻ ăn uống nhiều hơn bình thường. Nước đun sôi để nguội và làm mát trước khi uống được xem là một lựa chọn đúng đắn trong mùa nóng. Không nên cho trẻ uống những thức uống có độ thẩm thấu cao như nước ngọt có ga. Có thể cho bé uống thêm nước trái cây nguyên chất không bổ sung thêm đường với liều lượng thích hợp với độ tuổi của trẻ.

Tình trạng say nóng

Khi trẻ chơi đùa hay hoạt động thể lực nhiều giữa trời nắng nóng hay ở trong phòng chật hẹp không được thông khí tốt, “máy điều hòa nhiệt độ” phải gia tăng hoạt động để làm mát cơ thể trong lúc nhiệt độ xung quanh quá cao bằng cách tăng tiết mồ hôi. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ bị mất nước và nhiều chất điện giải dẫn đến sự rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Tùy theo mức độ say nóng mà trẻ sẽ có những biểu hiện như đổ mồ hôi nhiều, da tái nhợt, yếu cơ, vọp bẻ, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, ngất xỉu…

Khi nghi ngờ trẻ bị say nóng, cần nhanh chóng đưa trẻ vào bóng râm hoặc nơi thoáng mát, phòng có máy lạnh, nới lỏng áo quần, cho trẻ uống nước, dùng khăn thấm nước lau mát hay tắm cho trẻ. Nếu tình trạng của bé không cải thiện cần tiếp tục làm mát cho trẻ và đưa đến bệnh viện

Hiện tượng sốc nhiệt

Khi trẻ ở trong môi trường có nhiệt độ cao quá lâu, trung tâm điều hòa thân nhiệt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không còn khả năng làm mát cơ thể nữa. Lúc này nhiệt độ cơ thể của sẽ tăng rất cao thường trên 40oC, da đỏ, nóng, khô không có mồ hôi, tim đập nhanh, mạch nhanh nhẹ, nhức đầu dữ dội, chóng mặt, nôn ói nhiều, vật vã, lơ mơ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Trẻ có khả năng tử vong nhanh chóng khi có một trong những dấu hiệu kể trên. Vì vậy cần phải nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất. Cần làm mát cho trẻ trong thời gian đợi nhân viên y tế tới giúp đỡ và trên suốt đường đi đến bệnh viện bằng cách đưa bé vào nơi thoáng mát, dùng nước xối lên người bé, đắp khăn thấm nước lạnh liên tục. Nếu bé co giật và ói mữa thì không được để bất cứ vật gì vào miệng của trẻ và để trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên để tránh bị hít sặc thức ăn vào phổi.

Bảo vệ trẻ vào mùa nóng

Để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ cao lên cơ thể của trẻ, vào mùa nóng nên cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

Cho trẻ uống nước đầy đủ, không nên cho trẻ uống nhiều nước có ga.

Phòng của trẻ cần được bố trí ở nơi thông thoáng. Nếu có điều kiện, có thể dùng máy điều hòa để duy trì nhiệt độ phòng luôn ở mức ồn định trong khoảng 25-27C.

Tuyệt đối không để trẻ một mình trong xe hơi trong bất kỳ thời điểm nào.

Khi đưa trẻ ra ngoài cần thoa kem chống nắng cho trẻ để giảm tác động xấu của tia cực tím lên da.

Không cho trẻ đến những nơi có nhiệt độ cao như nhà máy, khu vực sản xuất, bếp…

Không cho trẻ chơi đùa ngoài trời, tắm biển hay phơi nắng ở bờ biển nhiều khi trời nắng nóng.

Khi cho trẻ đi cắm trại hay du lịch cần cho trẻ sinh hoạt ở nơi có nhiều bóng râm và luôn theo sát mọi hoạt động của trẻ.

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE