Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em và dễ khởi phát thành dịch do khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt là nhưng nơi đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh kém.

ThS-BS Phạm Đình Nguyên-Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tại sao bé mắc bệnh:

Thủy đậu là tình trạng nhiễm trùng cấp tính gây ra do virus Varicella Zoster. Trẻ mắc bệnh do hít phải dịch tiết có chưa virus gây bệnh được tống ra khi người bệnh ho hoặc nói chuyện. Mọi trẻ đều có thể mắc bệnh tuy nhiên khả năng sẽ tăng lên nếu trẻ suy dinh dưỡng và sức đề kháng thấp.

Những biểu hiện thường gặp:

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ tăng sinh nhanh chóng rồi theo đường máu đến da và niêm mạc. Thời gian này kéo dài từ 10- 20 ngày, trẻ có thể hoàn toàn không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Sau đó trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao, quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn, nổi ban…Sau 1-2 ngày trẻ sẽ giảm sốt và bước vào giai đoạn toàn phát với sự xuất hiện của những bóng nước đặc trưng hình tròn hay hình giọt nước có đường kính nhỏ hơn 0,5 cm đầu tiên ở thân mình sau đó lan rộng đến mặt và tứ chi. Bên trong bóng nước có dịch trong và sẽ hóa đục sau một ngày. Vì bóng nước mọc nhiều đợt khác nhau nên cùng một vùng da có thể thấy được bóng nước trong, đục hay đã đóng vẩy

Do bóng nước có thể mọc ở niêm mạc họng, đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu nên trẻ có thể quấy khóc bỏ ăn do đau họng, khó nuốt, khó thở, ho ra máu, đau bụng, tiêu phân đen, đau rát khi tiểu, nước tiểu có máu.

Bóng nước càng nhiều tình trạng bệnh càng nặng. Khi bị mắc bệnh trẻ nhỏ thưởng bị nhẹ hơn so với trẻ lớn và người lớn.

Mặc dù xuất hiện rất rầm rộ nhưng hầu hết các bóng nước đều đóng vẩy sau một tuần. Nếu không xuất hiện biến chứng, trẻ có thể hồi phục nhanh chóng và sau một thời gian các bóng nước sẽ biến mất mà không để lại sẹo.

Không nên quá chủ quan:

Nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp, trẻ có thể gặp nguy hiểm và tử vong do biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm não, màng não…Vì vậy hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé có tình trạng sốt cao liên tục, quấy khóc, vật vã, bứt rứt, nhức đầu, nôn ói, co giật, rối loạn tri giác

Nếu chẳng may mẹ dùng Aspirin để hạ sốt, trẻ có thể gặp bệnh lý gan- não (hội chứng Reye) với các dấu hiệu thần kinh đã được nêu trên kèm theo tình trạng vàng da, gan to, xuất huyết nội tạng.

Chăm sóc trẻ đúng cách:

Bên cạnh việc cho bé dùng thuốc kháng virus và những thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ, để bé chóng bình phục bạn cần cho bé ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem như quan niệm trước đây. Nên cho trẻ ăn thức ăn mểm lõng, dễ tiêu hóa. Cần lưu ý không tự ý bôi thuốc hay đắp lá, bã đậu xanh lên bóng nước, chọc vỡ bóng nước hay đưa bé đi “khoáng” ở các thầy bùa phép.

Phòng trẻ phải được dọn dẹp và thanh trùng và luôn thông thoáng. Toàn bộ áo quần và chăn màn của bé phải được giặt kỹ bằng xà bông và phơi nắng.

Trẻ cần phải được giữ vệ sinh sạch sẽ, móng tay luôn được cắt ngắn gọn gàng để tránh nhiễm trùng khi trẻ dùng tay cào gãi làm vỡ bóng nước.

Hãy phòng bệnh chủ động:

Bên cạnh việc giữ vệ sinh cho trẻ bệnh thật tốt, bạn cần luôn rữa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, hãy cách ly họ với mọi thành viên khác trong gia đình, không dùng chung chén bát đũa muỗng , khăn tắm và các vật dụng cá nhân ít nhất là cho dến khi các bóng nước đóng mày hoàn toàn để tránh lây lan..

Để bảo vệ cho những đứa con thân yêu của mình không mắc bệnh, bạn nên đưa trẻ đi chích ngừa. Đây là phương pháp tạo miễn dịch chủ động và hiệu quả nhất. Vaccin được tiêm 1 lần đối với trẻ dưới 12 tuổi và 2 lần cách nhau 1 tháng đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Lưu ý không được tiêm ngừa vaccin này ở trẻ dưới 12 tháng tuổi.

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE