Con ấm đầu, Mẹ sốt ruột
Bé sốt là một trong những tình huống thường gặp ở gia đình có con nhỏ và đây cũng là nguyên nhân khiến các bà mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện giữa đêm khuya. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết rằng sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể và chỉ thật sự gây nguy hiểm trong trường hợp thân nhiệt tăng quá cao và kéo dài.
ThS-BS Phạm Đình Nguyên-Bệnh viện Nhi Đồng 1
Tại sao bé sốt
Não của chúng ta có một phần đặc biệt đảm nhận vai trò điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nhờ có “bộ máy” này mà thân nhiệt luôn được duy trì ổn định. Khi có sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn, “máy điều hòa nhiệt độ” sẽ làm thân nhiệt gia tăng nhằm bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây bệnh. Đôi khi trẻ có thể sốt do những nguyên nhân khác như: tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh , dùng thuốc quá liều hoặc sai chỉ định, bị say nắng hay ở trong môi trường có nhiệt độ xung quanh quá cao.
Khi sốt bé sẽ như thế nào
Thân nhiệt của mỗi người có thể khác nhau. Tuy vậy hãy nghĩ đến khả năng bé sốt khi nhiệt độ đo được qua hậu môn từ 38C và 37.5C trở lên nếu đo ở những vị trí khác.
Tùy theo từng lứa tuổi, mức độ nhận thức của trẻ và nguyên nhân gây sốt mà những triệu chứng đi kèm sẽ khác nhau như: ăn uống kém, không nhanh nhẹn chơi đùa như bình thường, ho, sổ mũi, đau bụng , nôn ói, tiêu chảy, nhịp thở nhanh, quấy khóc, bức rứt, lừ đừ, co giật…Đối với những trẻ lớn, cháu có thể than phiền với cha mẹ rằng bản thân cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh, đau đầu, nhức toàn thân, mệt mỏi, ăn không thấy ngon, khó ngủ hoặc uể oải , buồn ngủ cả ngày …
Xử trí khi bé sốt
Bạn cần trang bị cho tủ thuốc gia đình của mình một chiếc nhiệt kế để có thể theo dõi nhiệt độ của trẻ khi bé sốt.
Kháng sinh không thật sự cần thiết trong phần lớn các trường hợp. Khi bé sốt, bạn có thể dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường như acetaminophen hoặc ibuprofen. Không nên dùng Aspirin để giảm sốt vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Dùng nước ấm lau mát cũng là một cách giúp bé giảm sốt nhanh chóng. Dùng khăn thấm nước ấm lau người cho trẻ nhất là những vị trí như trán, nách, bẹn. Nhiệt độ của nước dùng lau ấm tốt nhất là thấp hơn thân nhiệt của bé khoảng 2C và thay nước mỗi 10-15 phút.
Khi trẻ sốt cao cần cho bé nằm trong phòng thoáng mát, tránh ủ ấm trẻ quá mức ngay cả khi cháu than lạnh. Bởi vì việc mặc quá nhiều áo hay dùng mềm quá dày sẽ làm cho sốt khó hạ và bé sẽ càng cảm thấy lạnh thêm.
Hãy khuyến khích trẻ ăn uống nhiều hơn. Cần chia nhỏ bữa ăn ra làm nhiều lần trong ngày với chế độ dinh dưỡng nhiều hơn ngày thường để có thể bù đắp lượng năng lượng bị hao hụ ngt khi bé ốm.
Theo dõi trẻ thường xuyên để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời khi cần thiết.
Đến bệnh viện đúng lúc
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi trẻ dưới 6 tháng tuổi hay có biều hiện của tình trạng mất nước do ói hoặc tiêu chảy nhiều, sốt vẫn không hạ mặc dù đã sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều và lau mát đúng cách.
Nhanh chóng đến bệnh viện ngay nếu trẻ chưa được 2 tháng tuổi,có bệnh mạn tính ( tim mạch, phổi, thận..),đang phải dùng thuốc để điều trị những bệnh lý khác hoặc có những biểu hiện như co giật; khó thở, thở nhanh nông; da xuất hiện những mảng tím hoặc đỏ; nôn ói , đau bụng hay nhức đầu liên tục;bứt rứt, lừ đừ, thay đổi tri giác…
Không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt ngay từ ban đầu. Để định bệnh, đôi khi các thầy thuốc cần phải làm công thức máu, Xquang ngực, siêu âm bụng, chọc dò dịch não tủy và nhiều xét nghiệm chuyên biệt khác. Tùy theo nguyên nhân và mức độ mà cách xử trí sẽ khác nhau. Bé có thể được cho về để tiếp tục theo dõi tại nhà hoặc nhập viện ngay nhằm điều trị tích cực.
Hầu hết các trường hợp trẻ thường hết sốt và trở lại sinh hoạt bình thường trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày. Chỉ một phần nhỏ các trẻ phải ở dài ngày trong bệnh viện do diễn biến phức tạp của bệnh hay sức đề kháng kém.