Sởi ở trẻ em
Sởi là một bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Bệnh có thể bùng phát thành dịch nhanh chóng nhất là ở những nơi đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh kém. Hầu hết các bé thường hồi phục sau vài ngày mắc bệnh. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách, sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1
Nguyên nhân gây bệnh:
Sởi hay ban đỏ là một bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus Rubeola. Virus gây bệnh được phát tán ra môi trường và lây lan cho mọi người xung quanh khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi…
Khi tiếp xúc với virus sởi, nếu đã được chủng ngừa hay mắc bệnh sởi trước đó trẻ sẽ ít có khả năng mắc bệnh tiếp tục.
Virus sởi có khả năng lay lan rất nhanh do vậy có thể tạo thành dịch. Mọi người đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên trẻ em bị sởi nhiều hơn người lớn với biểu hiện thường nhẹ hơn nhưng rất ít khi trẻ dưới 6 tháng tuổi bị bệnh.
Biểu hiện thường gặp:
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ cần có thời gian ủ bệnh khoảng 10 ngày trước khi khởi phát bệnh. Trong khoảng thời gian này trẻ thường không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ hơi sốt nhẹ. Sau đó, bệnh sẽ bước vào giai đoạn khởi phát còn được gọi là “thời kỳ viêm long”. Đây là thời kỳ dễ lây lan nhất và kéo dài khoảng 3- 5 ngày với các triệu chứng như :
Sốt: sốt có thể nhẹ hoặc rất cao, thường đi kèm với đau đầu, nhức mỏi tay chân, đôi khi trẻ có thể bị co giật.
Chảy nước mắt, mắt đỏ, đóng ghèn nhiều, mi mắt phù nề, khi nhìn sẽ đau rát do vậy bé rất sợ ánh sáng.
Hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ho nhiều, khò khè, khàn giọng là những triệu chứng thường gặp trong giai đoạn này.
Một số trẻ có tình trạng đau bụng, tiêu chảy do virus ảnh hưởng lên đường tiêu hóa.
Nếu để ý, người nhà có thể phát hiện những chấm trắng nhỏ trên nền niêm mạc viêm đỏ ở mặt trong của má. Triệu chứng này được gọi là Koplik, đây là một dấu hiệu rất đặc trưng của bệnh.
Thời kì toàn phát đặc trưng bởi triệu chứng phát ban. Bắt đầu xuất hiện ở vùng sau tai, trong vòng 24 giờ ban sẽ lan ra má, cổ, ngực và chi trên. Trong 2-3 ngày kế tiếp, ban sẽ lan dần xuống lưng, bụng, hai tay và hai chân. Ban sởi thường có màu hồng nhạt, mọc thành từng mảng, mất đi khi dùng tay ấn nhẹ vào. Ban thường rời rạc trong trường hợp nhẹ vả mọc dày đặc khắp người, lòng bàn tay, bàn chân trong trường hợp nặng.
Đôi khi có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu hoặc đi tiêu ra máu…
Sau giai đoạn phát ban, trẻ bắt đầu hồi phục với sự biến mất dần của ban theo trình tự xuất hiện để lại trên da những vết thâm đen, loang lổ được gọi là “vết hằn da hổ”. Các vết hằn này sẽ mất đi mà không để lại bất kỳ dầu vết nào sau một thời gian.
Hầu hết các bé đều hồi phục và trở lại sinh hoạt bình thường sau 7-10 ngày. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh diễn tiền nặng hơn với sự xuất hiện của các biến chứng như viêm não, viêm tai giữa cấp, viêm loét niêm mạc má, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm gan, viêm hạch mạc treo ruột, viêm vi cầu thận cấp…
Chăm sóc và điều trị:
Đa số các bé đều được điều trị và theo dõi tại nhà. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu do vậy việc điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng và nâng cao sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt như Tylenol, Bivinadol, Parofen, Eferralgan với liều lượng 10-15mg/ kg cân nặng mỗi 4-6 giờ khi bé sốt. Cần lưu ý không được sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ trong trường hợp này. Không cần thiết phải kiêng cử thái quá khi bé ốm, hãy cho trẻ ăn uống bình thường hoặc khuyến khích bé ăn nhiều hơn để có đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên cho bé ăn thức ăn mềm, lõng, dễ tiêu hóa.
Dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% nhỏ mắt và mũi thường xuyên để làm sạch ghèn ở mắt và giúp mũi luôn luôn thông thoáng.
Trước đây chúng ta thường kiêng cử không tắm rữa và không cho trẻ ra ngoài khi bị sởi. Tuy nhiên điều này không chính xác. Hãy vệ sinh răng miệng của trẻ thật cẩn thận và tắm rữa cho trẻ bằng nước ấm để hạn chế tình trạng nhiễm trùng răng miệng và da.
Bên cạnh việc cho trẻ uống vitamin A theo chỉ định của bác sĩ, để tăng cường sức đề kháng, bạn có thể cho bé dùng thêm các loại thuốc bổ như Ceelin, Growsure, Vitatrum Kiddi với liều lượng thích hợp.
Đừng tùy tiện cho bé dùng kháng sinh bởi vì kháng sinh không cần thiết sử dụng trong hầu hết các trường hợp.
Đến bệnh viện đúng lúc:
Mặc dù sởi là một bệnh ít nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan. Hãy theo dõi sát tình trạng của trẻ để đưa bé đến bệnh viện trong những trường hợp như bé sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt mắt sưng đỏ và đóng ghèn nhiều, chảy mủ tai, chảy máu mũi, chảy máu răng, ho nhiều, nôn ói và tiêu chảy nhiều, đi tiêu có đàm máu…
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để tránh bị lây bệnh không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc khi có dịch bệnh.
Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành ít nhất 10-15 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên hoặc ít nhất 4-7 ngày sau khi phát ban.
Hướng dẫn bé dùng khăn hoặc tay che miệng mỗi khi hắt hơi, ho, rữa tay sạch sẽ trước khi ăn.
Tạo miễn dịch chủ động cho trẻ bằng cách chích ngừa sởi cho trẻ đầy đủ theo lịch. Lần đầu tiên sẽ chích ngừa sởi cho trẻ vào tháng thứ 9 và chích mũi thứ hai nhắc lại trước khi trẻ 10 tuổi.