Viêm ruột thừa trẻ em
Viêm ruột thừa là một trong những tình huống cấp cứu thường gặp. Bệnh có thể ở mọi lứa tuổi. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng...
ThS.BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1
Ruột thừa nhưng không thừa
Cơ thể chúng ta được ví như một cổ máy hoàn chỉnh, mỗi bộ phận đảm nhận một chức năng khác nhau. Mặc dù vai trò của ruột thừa còn nhiều bàn cãi nhưng nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy ruột thừa tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có ích trong cơ thể phát triển góp phần giúp cho ruột chống lại một số tác nhân gây bệnh và hoạt động tiêu hóa tốt hơn.
Tại sao ruột thừa bị viêm:
Theo thống kê, có khoảng 6% dân số bị viêm ruột thừa, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 10-30 tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và trẻ dưới 4 tuổi thường gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn những trẻ lớn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Canada, những trẻ sống trong môi trường ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém sẽ có khả năng bị viêm ruột thừa cao hơn so với những đứa trẻ khác. Viêm ruột thừa liên quan đến tình trạng nhiễm trùng hay tắc nghẽn ở ruột thừa.
Biểu hiện viêm ruột thừa
Biểu hiện của viêm ruột thừa ở từng lứa tuổi và từng đứa trẻ rất khác nhau. Nếu chưa nói được, quấy khóc liên tục đôi khi là biểu hiện duy nhất trong giai đoạn sớm của bệnh. Trong khi đó, những trẻ đứa trẻ lớn hơn có thể mô tả khá chính xác triệu chứng đau bụng với cơn đau khởi đầu vùng quanh rốn lan dần xuống dưới và khu trú ở hố chậu phải. Nếu dùng tay ấn nhẹ vào vùng này trẻ sẽ khóc ré lên và gồng cứng bụng do đau đớn. Bên cạnh đó, trẻ còn có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hay táo bón. Sốt là triệu chứng hiện diện trong hầu hết các trường hợp. Sốt thường hâm hấp dao động khoảng 38-38.5C. Trẻ có thể sốt cao hơn do tình trạng nhiễm trùng nặng hay có biến chứng.
Đến bệnh viện khi nào
Viêm ruột thừa là một tình huống cần phải xử trí cấp cứu. Nếu can thiệp chậm trể, bé có thể gặp nguy hiểm do các biến chứng như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan…
Vì biểu hiện của viêm ruột thừa thường tương tự với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Do vậy nếu chủ quan, không theo sát tình trạng của trẻ chúng ta sẽ đưa bé đến bệnh viện muộn khi ruột thừa đã vỡ.
Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé quấy khóc không rõ nguyên nhân, đau bụng kéo dài hơn 2 giờ, nôn ói và tiêu chảy nhiều kèm theo dấu hiệu sốt. Cần lưu ý hạn chế dùng thuốc giảm đau trong những trường hợp này bởi vì tác dụng của thuốc có thể làm lu mờ triệu chứng gây chậm trể và khó khăn cho việc chẩn đoán.
Bác sĩ sẽ làm gì
Để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng, hãy cố gắng cung cấp thật cặn kẽ thông tin về tình trạng sức khỏe của trẻ, thời gian, hoàn cảnh khởi phát cơn đau và những triệu chứng đi kèm. Bên cạnh việc thăm khám cẩn thận nhiều lần, để định bệnh chính xác các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết như công thức máu, siêu âm bụng, Xquang bụng không sửa soạn…
Hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa đều cần thiết phải phẫu thuật. Tủy theo thời điểm được đưa đến bệnh viện và tình trạng sức khỏe của bé mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất. Nếu đến sớm trẻ sẽ được phẫu thuật nội soi. Phương pháp này không những giúp trẻ ít đau, sớm trẻ lại với sinh hoạt hàng ngày mà còn hạn chế sẹo bảo đảm tính thẩm mỹ. Phẫu thuật mổ hở được chỉ định trong trường hợp trẻ đến muộn và có biến chứng.
Nhiễm trùng vết mổ, chảy máu, dính ruột, tắc ruột là những tình huống có thể gặp ngay sau phẫu thuật hoặc một vài năm sau đó. Các biến chứng thường này thường gặp trong trường hợp trẻ được can thiệp chậm trể, ruột thừa nằn ở vị trí bất thường, vỡ mủ, viêm phúc mạc.
Chăm sóc trẻ đúng cách
Tùy từng trường hợp, trẻ có thể xuất hiện sau phẫu thuật 2 ngày hoặc lâu hơn. Trong thời gian bé nằm tại bệnh viện, cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của các y bác sĩ. Nên cho bé uống sữa hay nước súp và chỉ cho bé ăn uống trở lại khi bé đã trung tiện được (đánh rắm).
Vết mổ của bé cần được chăm vì vậy khi xuất viện, mỗi ngày hãy đưa bé đến cơ quan y tế gần nhà để thay băng hay có thể tự thay tại nhà sau khi đã được bác sĩ hay điều dưỡng hướng dẫn cẩn thận. Thông thường vết mổ sẽ lành tốt và có thể cắt chỉ 7 ngày sau phẫu thuật.
Không cần thiết kiêng cử ăn uống trong thời gian bé bệnh. Hãy cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với chế độ ăn từ lỏng đến đặc dần và trở về bình thường một tuần sau phẫu thuật.
Cho bé dùng thuốc theo đơn và tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện trở lại trong trường hợp vết mổ chảy dịch hoặc máu, bé sốt cao, nôn ói nhiều, bỏ ăn uống, bứt rứt, vật vã, li bì sau khi xuất viện.