Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Dị ứng thức ăn

Dị ứng và không dung nạp thức ăn là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê cứ 20 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ có khả năng dị ứng với thức ăn. Hầu hết các trường hợp dị ứng thức ăn thường nhẹ nhưng đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí thích hợp.

ThS.BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

Dị ứng thức ăn là gì


Chúng ta thường nhầm lẫn giữa dị ứng thức ăn và tình trạng không dung nạp thức ăn vì biểu hiện khá giống nhau. Tuy nhiên có một sự khác nhau cơ bản giữa hai trường hợp này. Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch của cơ thể trước một hay nhiều thành phần gần như vô hại có trong thức ăn. Trong khi đó, không dung nạp thức ăn là một phản ứng hóa học của cơ thể với một vài chất đặc biệt có trong thức ăn xảy ra sau khi ăn uống.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị dị ứng thức ăn. Tuy nhiên nguy cơ sẽ tăng lên nếu trong gia đình có một người mắc bệnh dị ứng. Trẻ có 50-80% khả năng mắc bệnh nếu có từ hai thành viên trong gia đình bị hen suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng…


Thức ăn nào gây dị ứng


Đậu phụng, sữa, trứng là nguyên nhân gây ra 90% các trường hợp dị ứng thức ăn. Dị ứng sữa là vấn đề thường gặp nhất. Trẻ bị dị ứng sữa thường rất sớm ngay từ những tháng đầu đời. Dị ứng đậu phụng tập trung ở độ tuổi lớn hơn nhưng thường trước độ tuổi đi học. Bên cạnh đó, nhiều thức ăn thường có khả năng gây dị ứng như mè, đậu nành, các loại hạt ngũ cốc, cá, tôm, cua, sò, ốc và một số loại hải sản khác. Ngoài ra còn có các loại trái cây như việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt và các chất phụ gia như benzoat, salicylate, bột ngọt…


Thức ăn khó dung nạp


Đối với những bé có cơ địa nhạy cảm, tình trạng không dung nạp thức ăn có thể xảy ra khi dùng sữa và các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, sữa chua, trứng ( nhất là lòng trắng trứng), bột ngọt và các chất phụ gia, dâu tây, cà chua và những loại trái cây có vị chua, những thức ăn chứa nhiều histamin như phần thịt có màu đen của cá ngừ, cá thu hay phần đuôi của ốc…

Những biểu hiện thường gặp

Rrất khó khăn để phân biệt được biểu hiện của dị ứng thức ăn và không dung nạp thức ăn bởi triệu chứng tương tự nhau. Thông thường dị ứng thức ăn xảy ra ngay sau khi ăn trong khí đó tình trạng không dung nạp thức ăn có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc sau 12-24 tiếng và chỉ xảy ra khi trẻ ăn một lượng thức ăn đủ đề có thể gây phản ứng. Tuy nhiên lượng đồ ăn tối thiểu có thể gây kích ứng ở mỗi trẻ không giống nhau.
Trong trường hợp không dung nạp thức ăn trẻ thường có biều hiện bồn chồn hốt hoảng, run người, da tái nhạt, đổ mồ hôi , thở nhanh, tiêu chảy, cảm giác nặng ngực, nóng rát ở da, khò khè khó thở giống như hen suyễn…
Biểu hiện của dị ứng thức ăn thường rầm rộ hơn và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Trẻ thường có tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, khó thở, thở khò khè, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, viêm da, nổi mẩn đỏ, mề đay. Một số trẻ có biểu hiện thần kinh như nhức đầu, co giật... Trong trường hợp tình trạng dị ứng quá trầm trọng trẻ có khả năng tử vong do suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được cấp cứu kịp thời.


Phát hiện thức ăn gây kích ứng


Việc xác định thức ăn gây kích ứng tương đối dễ dàng nếu triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn một loại thức ăn đặc biệt nào đó. Trong trường hợp không điển hình cần tạo một “ nhật ký ăn uống” ghi nhận toàn bộ thức ăn dùng mỗi ngày và những triệu chứng xuất hiện trong thời gian khoảng một tháng nhằm phát hiện loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cho trẻ. Sau đó tránh không cho trẻ dùng những loại thức ăn này trong vòng hai tuần rồi bắt đầu cho trẻ ăn lại từng loại ở một thời điểm nhất định và ghi nhận phản ứng của cơ thể ( bước này cần phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và không được thực hiện trong những trường hợp trẻ đã bị sốc phản vệ). Đôi khi các bác sĩ sẽ làm thêm xét nghiệm máu và phản ứng da ( prick test) để phát hiện loại thức ăn gây kích ứng và đánh giá tình trạng dị ứng của bé.


Những biện pháp phòng tránh

Cách đơn giản nhất để tránh bị dị ứng hay không dung nạp thức ăn là loại bỏ thức ăn gây kích ứng đã được xác định ra khỏi khẩu phần ăn. Tuy nhiên đôi khi cơ thể trẻ có thể chấp nhận được những loại thức ăn này nếu ngưng sử dụng trong một thởi gian rồi bắt đầu cho trẻ ăn trở lại từ từ từng lượng nhỏ. Vì vậy trước khi đưa một loại thức ăn nào ra khỏi thực đơn của trẻ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Nhiều nghiên cứu cho rằng trẻ được bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và kéo dài trong ít nhất sáu tháng có thể giảm được nguy cơ dị ứng thức ăn. Khi trẻ đã được xác định dị ứng với một loại thức ăn nào đó thì mẹ không nên dùng thức ăn này nếu nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ. Cần tránh hút thuốc lá và giữ nhà cửa luôn sạch sẽ thoáng mát vì khói thuốc và môi trường sống ô nhiễm làm cho tình trạng dị ứng của trẻ trầm trọng hơn. 
Có thể cho trẻ dùng sữa đậu nành, các loại sữa có nguồn gốc ngũ cốc hoặc các loại sữa bò có công thức đặc biệt ( đã được loại bỏ một số protein đặc biệt) nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò. Cần lưu ý trẻ vẫn có khả năng dị ứng với sữa trâu hoặc sữa dê nếu bị dị ứng với sữa bò. 
Trước khi cho trẻ dùng thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẳn cần phải đọc kỹ nhãn và thông tin sản phẩm để phát hiện ra thức ăn hay chất phụ gia đã được xác định là gây kích ứng cho trẻ.

Tags: dị ứng

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE