Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Là cơ quan chính tham gia trực tiếp vào quá trình thanh lọc cơ thể, thận đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm khi thận tổn thương mà không được phát hiện và điều trị kịp thời.

ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn miễn dịch, bệnh lý ác tính, ngộ độc thuốc, nhiễm trùng… Ở trẻ em, nhất là trong độ tuổi 4-6 tuổi, viêm cầu thận cấp thường do vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra 1-2 tuần sau đợt viêm họng hay viêm hô hấp trên, nhiễm trùng da hay các cơ quan khác.

Những biểu hiện thường gặp

Viêm cầu thận cấp thường xuất hiện đột ngột 7-14 ngày sau khi viêm họng hay viêm da mủ. Bên cạnhmột số dấu hiệu báo trước không đặc trưng như mệt mỏi, chán ăn, đau nhức vừng thắt lưng…trẻ sẽ có biểu hiện phù, tiểu ít với nước tiểu có màu hồng đỏ của máu và tăng huyết áp.

Phù thường xuất hiện ở vùng mi mắ và mặt trước tiên sau đó lan ra toàn thân. Nếu dùng tay ấn vào nơi bị phù sẽ có cảm giác mềm và vùng da này sẽ bị lõm xuống.

Tùy theo mức độ thận bị tổn thương mà trẻ có tình trạng tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Nước tiểu sậm màu, có màu hồng, đỏ do sự hiện diện của hồng cầu trong nước tiểu. Nếu không được xử trí phù hợp trẻ sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, tăng huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, phù não với biểu hiện như vật vã, kích thích, khó thở, vã mồ hôi, tim tái, trào bọt hồng ở miệng, co giật, hôn mê…

Đến bệnh viện đúng lúc

Khi nghi ngờ trẻ bị viêm cầu thận cấp hãy nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện để được khám và điều trị thích hợp. Để định bệnh chính xác, bên cạnh việc khám và thu thập các thông tin cần thiết thật cẩn thận, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên biệt như công thức máu, ion đồ, phết họng, ASO, C3, tổng phân tích nước tiểu, chức năng thận, siêu âm, điện tâm đồ…

Điều trị tích cực

Tất cả các trường hợp viêm cầu thận cấp đều phải nhập viện để điều trị và theo dõi tích cực

Tùy theo tình trạng của từng bé mà bác sĩ sẽ quyết định một phác đồ điều trị khác nhau như điều trị tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng và sự tổn thương của thận bằng cách sử dụng kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc hạ áp, lọc thận…

Trong thời gian điều trị, trẻ cần nghỉ ngơi và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ với một chế độ ăn hạn chế dịch đưa vào cơ thể, giảm muối và đạm.

Chăm sóc và theo dõi

Nếu được điều trị tích cực các bé sẽ sớm quay trở lại với sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên có khoảng 10-15% trường hợp chức năng thận không hồi phục hoàn toàn, gây tái phát nhiều lần và diễn tiến đến suy thận mạn. Vì vậy cần phải đưa bé đi tái khám định kỳ để đánh giá chức năng thận và sớm điều chỉnh những thay đổi bất thường.

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE